Bệnh viện Phổi tỉnh Tuyên Quang: Tập huấn về Phát hiện sớm, quản lý, điều trị bệnh Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và Hen phế quản tuyến xã, phường

30/08/2024 - 07:56
413

Với mục tiêu cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản về phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và Hen phế quản ở tuyến cơ sở; tăng khả năng nhận biết các triệu chứng nghi ngờ, phát hiện sớm, tư vấn, giới thiệu chuyển tuyến và quản lý người bệnh COPD và hen phế quản tại tuyến y tế cơ sở.

Ngày 28/8/2024, Tại Bệnh viện Phổi tỉnh Tuyên Quang, Bệnh viện Phổi phối hợp với Trung tâm Hô hấp, Trung tâm Dị ứng Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội, tổ chức lớp tập huấn “Phát hiện sớm, quản lý, điều trị bệnh Phổi tắc nghẽn mạn tính và Hen phế quản”. Tham dự lớp tập huấn có 80 học viên là các Y, Bác sỹ Khoa khám bệnh, Khoa nội tổng hợp tuyến Bệnh viện và cán bộ y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

ThS.Nguyễn Ngọc Dư, Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai-Hà Nội phát biểu tại lớp tấp huấn

Tại lớp tập huấn, các học viên được giảng viên của Trung tâm Hô hấp, Trung tâm dị ứng Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội: Cung cấp các kiến thức về chẩn đoán và điều trị COPD như các triệu chứng lâm sàng của đợt cấp COPD, hậu quả của đợt cấp, các xét nghiệm cần làm, cách chẩn đoán xác định đợt cấp COPD, cách điều trị COPD; cách nhận biết cơn hen phế quản, chẩn đoán hen, cách dùng thuốc cắt cơn đường hít, cách điều trị hen phế quản nặng;…. Tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh COPD; Quản lý, chuyển tuyến, báo cáo, giám sát người bệnh COPD;… các hoạt động khám sàng lọc bệnh nhân COPD; Hướng dẫn thực hiện các nội dung về phòng chống COPD và Hen phế quản,…. 

Các học viên tại lớp tập huấn.

Ở Việt Nam, Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và Hen phế quản hiện nay chiếm khoảng 5% dân số và 1,3 triệu người bệnh COPD đang phải điều trị hằng năm. Hầu hết bệnh nhân phát hiện muộn khi đã nặng, hoặc đến viện khám vì lên cơn cấp. Người bệnh sau ra viện không được theo dõi, điều trị duy trì, đến khi có đợt cấp tiếp theo lại nhập viện. Ngoài ra, còn có tình trạng phụ thuộc quá mức vào liệu pháp cắt cơn (bình xịt giãn phế quản tác dụng ngắn); tỷ lệ sử dụng thuốc hít dự phòng còn thấp.

Chi phí điều trị trong một lần đợt cấp hen, nhẹ thì khoảng một triệu đồng, nặng lên đến vài chục triệu, chưa kể các chi phí khác. Trường hợp bỏ điều trị phổi tắc nghẽn mạn tính dẫn đến biến chứng, chi phí điều trị có thể tăng gấp 13 lần. Đây là gánh nặng rất lớn cho ngành y tế Việt Nam.

Lớp tập huấn Phát hiện sớm, quản lý, điều trị bệnh Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và Hen phế quản tuyến xã, phường.

Nguyên nhân chính gây hen và COPD là hút thuốc hoặc tiếp xúc khói thuốc, ô nhiễm môi trường, nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên khi còn nhỏ, bệnh nghề nghiệp do tiếp xúc với khí hóa chất. Do đó, biện pháp phòng ngừa, kiểm soát là bỏ thuốc lá, tránh tiếp xúc không khí ô nhiễm, những chất kích thích, hóa chất. Khám sức khỏe thường xuyên. Khi có các triệu chứng như ho kéo dài, bị nhiễm trùng đường hô hấp tái phát nhiều lần, khó thở khi gắng sức, thở khò khè... cần đến bệnh viện để được chẩn đoán sớm và điều trị.

Nguyễn Tiến

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

bình luận

Tìm kiếm
 
Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang