21 °C Cảnh báo nguy cơ mắc bệnh dại tại tỉnh Tuyên Quang
Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Bệnh thường lưu hành ở các nước thuộc khu vực châu Á và châu Phi. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm.
(Ảnh minh họa)
Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.
Tuyên Quang với đặc thù là vùng núi, diễn biến khí hậu phức tạp, tập quán nuôi chó, mèo của người dân theo kiểu tự phát, thả rông ngoài đường không đeo rọ mõm, điều này dẫn đến nguy cơ vật nuôi bị nhiễm vi rút bệnh dại và phát tán, lây lan ra môi trường xung quanh rất cao.
Theo thông báo tình hình bệnh Dại tuần 22 (Từ ngày 22/5/2023 đến 28/5/2023) trong tuần cả nước nghi nhận 02 trường hợp tử vong do bệnh dại. Cộng dồn đến thời điểm hiện tại cả nước nghi nhận 35 trường hợp tử vong do bệnh Dại trên 17 tỉnh thành, tăng 13 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022(22 ca). Nguồn của Văn phòng dại - Viện vệ sinh dịch tễ Trung Ương.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tuyên Quang 05 năm trở lại đây (năm 2019 đến tháng 5 năm 2023) số ca tử vong về bệnh dại là 06 ca. Số người đến điều trị dự phòng bệnh dại tại các điểm tiêm của Trung tâm Y tế huyện/thành phố 05 tháng đầu năm 2023 là 2016 người tăng 60,8% so với cùng kỳ năm 2022 (1227 người điều trị dự phòng). Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đưa ra một số nội dung cảnh báo nâng cao phòng tránh về bệnh dại tại tỉnh như sau:
Cách xử lý vết thương khi bị chó, mèo cắn:
Cần làm ngay:
- Cần giữ bình tĩnh xử lý sơ cứu vết thương tại chỗ đúng: Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng (dầu gội, bột giặt...) liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn Iod hoặc Povidone, Iodine.
- Không làm dập nát thêm vết thương; tránh khâu kín, băng kín ngay vết thương.
- Đến ngay Trung tâm Y tế gấn nhất để được tư vấn, xem xét chỉ định huyết thanh kháng dại và vắc xin dại phù hợp.
Không nên làm:
- Cho các chất kích thích vào vết thương như đất, dầu hỏa, đắp thuốc lào, lá trầu không…
- Khâu vết thương: không được làm dập nát vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn. Trong trường hợp bắt buộc phải khâu vết thương thì nên khâu ngắt quãng/bỏ mũi sau khi đã tiêm phong bế huyết thanh kháng dại vào tất cả các vị trí của vết thương.
- Thử dại.
- Điều trị thuốc nam.
Khuyến cáo phòng bệnh dại từ động vật, đề nghị người dân:
- Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cái của ngành Thú y.
- Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
- Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
- Khi bị chó cắn, phải xử lý như theo các bước ở trên, tuyệt đối không vì tức giận quá mà đánh chết chó.
- Nếu gia đình, khu vực có ổ dịch, cần phối hợp cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc xử lý đối với động vật, khu vực có lên quan đến ổ dịch và tuân thủ nghiêm các quy định trong xử lý ổ dịch.
- Người bị chó, mèo cắn nếu không tiêm phòng sẽ có thể phát bệnh dại. Tiêm phòng dại ngay sau khi bị chó, mèo cắn vẫn là biện pháp phòng tránh và bảo vệ hiệu quả nhất.
Để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng Dại, người dân hãy đến Phòng tiêm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) và Trung tâm Y tế các huyện/thành phố để được tư vấn và điều trị./.
Nguồn tin: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Thống kê truy cập:
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1