Hội thảo này do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức trong khuôn khổ kế hoạch công tác năm 2013 của Ủy ban, với sự phối hợp của Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) và Chương trình phối hợp phòng, chống AIDS của Liên hiệp quốc (UNAIDS); với sự tham gia của hơn 50 người là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân một số tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên; đại diện các cơ quan có liên quan, như Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc cùng nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế về giảm nghèo và phòng, chống HIV/AIDS; đại diện người nhiễm HIV tỉnh Lâm Đồng và một số cơ quan báo chí đóng trên địa bàn thành phố Đà Lạt.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe: Ông Chu Quốc Ân, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế báo cáo về “Tình hình dịch HIV/AIDS. Nguồn lực và chi tiêu cho phòng, chống HIV/AIDS. Kiến nghị chính sách liên quan đến đảm bảo tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS”; Ông Nguyễn Cao Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban dân tộc về “Vấn đề nghèo ở vùng dân tộc thiểu số, khuyến nghi về chính sách giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số”; Bà Pamela Wright, Tư vấn trưởng MCNV trình bày chuyên đề về “Tác động của HIV/AIDS đến đói nghèo ở Việt Nam”; Ông Trần Quốc Toản, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chuyên gia độc lập trình bày về “Một số vấn đề đặt ra trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP, ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020” và nhiều ý kiến tham luận của các chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan.
.
Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Bà Trương Thị Mai cho rằng dịch HIV/AIDS và đói nghèo có sự liên hệ mật thiết với nhau. HIV/AIDS làm gia tăng tình trạng đói nghèo, ngược lại tình trạng đói nghèo làm tăng nguy cơ lây truyền HIV. Do vậy, đồng thời với việc thúc đẩy thực hiện các chính sách cụ thể của từng lĩnh vực, việc gắn kết các hoạt động của hai lĩnh vực này là rất quan trọng.
Bà Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo Hội thảo;
Về phòng, chống HIV/AIDS, Bà Trương Thị Mai bày tỏ lo ngại đến yếu tố bền vững khi nguồn lực quốc tế chi cho công tác này bị cắt giảm. Để giải quyết vấn đề này, theo Bà Mai, bên cạnh việc tăng cường ngân sách nhà nước (thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và ngân sách của các địa phương) cần đưa các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển; lồng ghép vào các hoạt động/lĩnh vực có liên quan, đặc biệt là vào hệ thống y tế; huy động sự tham gia của hộ gia đình, của người nhiễm HIV, người sử dụng dịch vụ (thông qua mua bảo hiểm y tế, chi trả một số dịch vụ)...thì cần tiếp tục rà soát, đánh giá, tính toán để áp dụng các mô hình chi phí-hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh trùng lắp... Bà Mai khẳng định, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, góp phần xử lý vấn đề đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta.
Theo Cục phòng chống HIV/AIDS