Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu khai mạc hội nghị.
Qua khảo sát nhanh của Vụ Kế hoạch - Tài chính, 75% đơn vị được khảo sát báo cáo có tình hình thiếu thuốc. Một số loại thuốc thiếu thường xuyên như: thuốc kháng sinh để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc hướng thần, một số thuốc tim mạch, thuốc điều trị sốt xuất huyết, vị thuốc y học cổ truyền… Tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư tiêu hao, hóa chất cũng xảy ra tại một số cơ sở y tế cả tuyến địa phương và trung ương. Trong đó chủ yếu là thiếu trang thiết bị phòng mổ, hóa chất dùng xét nghiệm, một số trang thiết bị y tế chuyên sâu.
BSCKII Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Sở Y tế chủ trì điểm cầu Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Nguyên nhân thiếu là do nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng sau 2 năm bị đại dịch Covid-19. Cũng do tác động của dịch Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn khiến nhiên liệu bị thiếu, hàng hóa khan hiếm, giá cả tăng gây khó khăn cho việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm…
Về tiến độ triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19, từ tháng 3-2021 đến ngày 28-6-2022, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 251 triệu liều vắc xin, đáp ứng đủ để tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên; đang triển khai tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang.
Tuy nhiên, tiến độ tiêm mũi 3 có xu hướng chậm, dự kiến đến hết quý 2/2022, tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên có thể chỉ đạt khoảng gần 70%. Đối với việc triển khai tiêm mũi 4, đến hết ngày 27-6-2022, cả nước đã tiêm được hơn 3,6 triệu liều. Hiện có nhiều đối tượng sau khi tiêm mũi 3 mắc Covid-19 nên chưa tiếp tục tiêm mũi 4. Việc triển khai tiêm vắc xin liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng chậm hơn so với lộ trình. Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ ở nhóm tuổi này lần lượt là 50,4% và 16,6%.
Về Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội lĩnh vực y, Vụ Kế hoạch - Tài chính cũng đã công bố tiêu chí, tiêu chuẩn liên quan đến việc lựa chọn phân bổ nguồn vốn thuộc chương trình từ tuyến xã đến trung ương.
Tại hội nghị, các vụ, ngành, địa phương, đơn vị đã báo cáo, làm rõ nguyên nhân tiến độ tiêm vắc xin chậm, tỷ lệ tiêm vắc xin ở trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa cao, khó khăn trong việc thanh toán bảo hiểm y tế. Đặc biệt phân tích, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế… Liên quan đến giải pháp khắc phục vấn đề nhân lực y tế, có ý kiến đề nghị nên có ngành học riêng đối với bác sĩ tuyến cơ sở. Đề nghị sớm đưa ra các thể chế, văn bản quy phạm pháp luật thật chi tiết, cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong việc đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu, đối với công tác phòng chống dịch, tiêm vắc xin phòng Covid-19, các tỉnh, thành phố cần tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, đảm bảo không để lãng phí vắc xin, gây ảnh hưởng và lãng phí ngân sách nhà nước. Các địa phương phải đảm bảo tất cả những người nằm trong đối tượng tiêm chủng phải được tiêm vắc xin.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các đơn vị, địa phương đặc biệt quan tâm chỉ đạo theo thẩm quyền quản lý nhằm thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ về việc mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tất cả vướng mắc nêu tại hội nghị, Bộ Y tế sẽ tiếp thu và cố gắng triển khai kịp thời biện pháp tháo gỡ, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉnh sửa các văn bản thuộc thẩm quyền cho phù hợp. Về Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực y tế, đề nghị các địa phương nhanh chóng rà soát theo các tiêu chí, xây dựng dự án gửi về Bộ Y tế trước ngày 4-7.
Nguyễn Tiến (Tổng hợp)