Để hưởng ứng ''Ngày thế giới phòng chống tăng huyết áp" năm 2023 với thông điệp “Đo huyết áp đúng - Kiểm soát huyết áp tốt - Sống khỏe” nhằm nâng cao hiểu biết, thay đổi hành vi của cộng đồng về dự phòng bệnh tăng huyết áp, thúc đẩy các phương pháp đo huyết áp chính xác và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện, kiểm soát tăng huyết áp để sống khỏe mạnh hơn. Vậy tăng huyết áp là gì? Bệnh nguy hiểm như thế nào? Và làm cách nào để phòng tránh?
Khám sàng lọc tăng huyết áp cho người dân tại xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa).
Tăng huyết áp và các triệu chứng:
Huyết áp là áp lực máu ở trong lòng động mạch góp phần giúp cho máu được luân chuyển trong động mạch tới các mô và cơ quan.
THA là khi HATT (huyết áp tâm thu) ≥ 140mmHg và/hoặc HATTr (huyết áp tâm trương) ≥90 mmHg.
THA có thể bao gồm các triệu chứng: Đau đầu, chảy máu cam, nhịp tim không đều, thay đổi thị lực và ù tai... nghiêm trọng hơn có thể gây ra mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa, lú lẫn, lo lắng, đau ngực và run cơ.
90% THA không có nguyên nhân rõ rệt, nhưng có yếu tố nguy cơ góp phần làm THA, một người có càng nhiều yếu tố nguy cơ thì khả năng bị các bệnh tim mạch lại càng cao.
THA được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” vì nó tiến triển thầm lặng, thường không có triệu chứng, biến chứng nguy hiểm. THA nặng tổn thương cơ quan đích: Não, tim, thận, mắt.
(Ảnh minh họa)
Làm sao để biết mình bị tăng huyết áp?
Để phát hiện THA điều cần thiết là phải đo huyết áp (HA) thường xuyên. Đo HA là cách duy nhất để phát hiện bệnh tăng huyết áp. Có thể đo HA tại nhà hoặc đến cơ sở y tế (CSYT) và dùng máy đo huyết áp điện tử hoặc huyết áp kế để đo. Khi trên đồng hồ hiển thị hiện chỉ số huyết áp tâm thu từ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên là THA.
Cần làm gì khi phát hiện mắc tăng huyết áp?
Khi phát hiện THA hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị sớm, tích cực bằng phác đồ thích hợp để nhanh chóng đạt huyết áp mục tiêu: Huyết áp tâm thu từ 120 - 130 mmHg (người < 65 tuổi) và 130 đến < 140 mmHg (người ≥ 65 tuổi), huyết áp tâm trương cần đạt 70 - 80 mmHg[2]. Theo dõi huyết áp thường xuyên, nếu sau khi điều trị 01 tháng mà không đạt huyết áp mục tiêu thì đến CSYT khám để được tư vấn và thay đổi phác đồ phù hợp. Khi huyết áp đã ổn định thì khám và theo dõi định kỳ mỗi 1-3 tháng 1 lần.
Các biện pháp phòng ngừa:
- Duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9; cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ.
- Có chế độ ăn uống khoa học: ăn giảm muối (dưới 5g muối/ngày), ăn nhiều rau xanh và trái cây, ngũ cốc thô, cá, các loại dầu ôliu, dầu bắp, dầu hướng dương, dầu đậu nành... hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axít béo no, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng.
- Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: thường xuyên duy trì luyện tập, vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày và 5 ngày/tuần; các hình thức tập luyện tốt cho sức khoẻ có thể chọn là đi bộ, bơi lội, các môn thể thao vừa sức.
- Ngoài chế độ dinh dưỡng khoa học và luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, có thể phòng tránh THA hiệu quả bằng một số lưu ý trong cuộc sống hàng ngày như: Ăn đủ bữa, không ăn quá nhiều hay quá muộn, hạn chế bia, rượu, cà phê, ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào. Không thức khuya, đảm bảo ngủ đủ giấc. Duy trì lối sống lành mạnh, giữ tâm trạng thoải mái, nghỉ ngơi hợp lý, tránh lo âu hay căng thẳng thần kinh.
Bên cạnh đó bệnh nhân cần được theo dõi, quản lý bệnh lâu dài và điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc để giảm bớt các nguy cơ xảy ra biến chứng và để duy trì mức huyết áp hợp lí.
Thu Thảo
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC)